Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

[Nghị luận] Suy nghĩ về câu nói "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" của Thân Nhân Trung

Đề bài:Hiền tài là nguyên khí quốc gia” – Thân Nhân Trung. Suy nghĩ của anh/chị về câu nói đó.

          Cả thế giới cũng chuyển mình mạnh mẽ khi toàn nhân loại cùng nhau bước vào thế kỉ XXI – thế kỉ của những thách thức mới. Từng dất nước phải luôn thay đổi tích cực để hòa vào dòng chảy của thời đại. Trong công cuộc kiến thiết này, Việt Nam ta – một dân tộc nhỏ bé nằm tại bán đảo Đông Dương – phải nỗ lực, phấn đấu gấp đôi, gấp ba các quốc gia khác và thành phần quan trọng của công cuộc thay đổi này chính là những người trẻ hay nói đúng hơn là những “hiền tài”, những người nguyện cống hiến tài trí vì sự phồn vinh của tổ quốc , bởi từ ngàn xưa, Thân Nhân Trung đã chấp bút rằng: “ Hiền tài là nguyên khí quốc gia”.
          “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, câu nói của Thân Nhân Trung như chiếc kim chỉ nam cho định hướng phát triển của đất nước từ xưa đến tận bây giờ . “Hiền tài” là những người tài cao, học rộng và có đạo đức; “nguyên khí” là khí chất cốt yếu làm nên sự sống còn và phát triển của quốc gia. “ Hiền tài là nguyên khí quốc gia” chính là thể hiện sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước Đại Việt – Việt Nam cốt yếu là nhờ những người “tài đức vẹn toàn” cùng nhau chung sức gầy dựng.
          Dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay luôn gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học. Từ nông thôn đến thành thị, người Việt xưa luôn cố gắng học bởi người có học thức sẽ là người được mọi người nể trọng, được nêu danh ở văn bia, được góp sức cai quản đất nước. Từ thời Hậu Lê, những sĩ tử tài đức, giỏi giang cùng thi Hương, Hội , Đình để chọn những người đăng bảng làm quan cùng vua giữ nước. “Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”. Vua anh minh thì phải có tướng tài, quan giỏi hỗ trợ thì nước nhà đến nguy cũng sẽ được hóa giải, sẽ phát triển thịnh vượng. Và nhờ vào việc quan tâm đến học vấn, thi cử để chọn quan và lập ra hội Tao Đàn, đời vua Lê Thánh Tông chính là một thời kì phát triển cực thịnh nhất trong thời đại phong kiến Việt Nam. Hay là những Nguyễn Trãi, Lý Thường Kiệt đã dùng văn chương tuyệt bút của mình thức dậy lòng yêu nước của nhân dân ta để chúng ta, một đất nước nhỏ bé, có đủ sức mạnh để đánh đuổi bọn quân xâm lược ra khỏi bờ cõi giang sơn. Ấy thế mới thấy được cái tài, cái đức của những bậc anh hùng trí nhân thật là đáng trân trọng, bởi nhờ cái tài của người hiền sĩ, đất nước lại có thể đứng lên và phát triển.
          Cho đến tận ngày hôm nay, những tháng ngày bận rộn của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất nước Việt Nam sẽ lại cần những “hiền tài” ra sức cống hiến xây dựng đất nước. Vậy mới thấy được tầm nhìn xa trông rộng của ông cha ta, thời nào cũng vậy, “Hiền tài là nguyen khí quốc gia”. Đặc biệt hơn là thời đại thông tin và kiến thức khoa học – xã hội luôn thay đổi đến chóng mặt , đất nước lại vô cùng cần những người có đủ trí lực đưa đất nước bắt kịp với sự phát triển của thời đại. Chúng ta, những con người đủ sức đủ tài luôn phải cố gắng mỗi ngày, bởi điển hình như khi nước ta bắt đầu sản xuất được máy gặt lúa thì thế giới đã sử dụng máy gặt đập liên hợp. Những người trẻ nhiệt huyết, lẽ nào chịu đứng nhìn đất nước mình tụt hậu, vì thế guồng quay hối hả của xã hội buộc những người tài năng thật sự hành động và cống hiến thì “nguyên khí” quốc gia sẽ thịnh vượng và sẽ có cơ hội sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
          Nhưng câu hỏi được đặt ra cho chúng ta là chúng ta sẽ tìm những “hiền tài” ra giúp nước ở đâu? Lẽ nào lại treo bảng thông báo tìm “hiền tài” ? Không. Chúng ta phải biết rằng, hiền tài xuất hiện là do tác động của xã hội, mà đầu tiên là chính quyền nhà nước. Xã hội quay cuồng trong nỗi lo cơm áo gạo tiền buộc những người tài giỏi phải chạy theo nỗi lo ấy để rồi chữ “hiền tài” cũng theo đó mà đi xa. Chính sách nhà nước phải hợp lòng dân,phải đối đãi tốt với nhân dân thì hiền tài mới đủ niềm tin để cống hiến hết mình cho Tổ quốc, bởi hiền tài cũng là dân, cũng từ dân mà ra. Không phải cứ đốt đuốc lên mò mẫm trong biển người để tìm ra người đủ tiêu chuẩn “ hiền tài” mà chính nhờ vào những chính sách, đường lối, chủ trương hợp lý và trân trọng tài năng và dóng góp của nhân dân, quan tâm đến đời sống ấm no hạnh phúc của nhân dân thì chẳng có lý do gì chúng ta không tìm được những người tài giỏi tâm huyết với đất nước. Người Việt Nam ta rất đoàn kết, mấy nghìn năm đấu tranh gìn giữ từng “tấc đất tấc vàng” quê hương thì việc chung tay dựng xây và phát triển đất nước chỉ là việc sớm hay muộn mà thôi. Nói không ngoa, Đảng và nhà nước chính là vua, vua không anh minh, sáng suốt thì dân liệu có phục? Vì thế sự suy thịnh của đất nước phải bắt đầu từ việc cơ bản nhất là đối đãi hiền tài.
          “Hiền tài” trong thời đại hôm nay chính là những người trẻ, những người được nhà nước quan tâm đầu tư phát triển, có đủ học thức, sức khỏe và tâm huyết để tạo nên sự phát triển phồn vinh cho nước nhà. Tri thức trẻ là tầng lớp tinh hoa được trui rèn tài đức để ra sức sáng tạo, lao động bền bỉ góp từng chút ít một thay đổi đất nước một cách tích cực hơn. Xã hội cần những người bản lĩnh đương đầu với khó khăn để chính khó khăn ấy sẽ phát huy năng lực của bậc “hiền tài”. Một đất nước trẻ , năng động thì ắt sẽ là đất nước có thể nghĩ về một tương lai giàu mạnh ở phía trước.
          Những tiềm ẩn trong những người tài sẽ có những kẻ không “hiền”, tức là không có đạo đức, hành động tái pháp luật và lương tâm. Họ dù có thể rất tài năng những tài năng lại để thực hiện những mục đích ích kỉ thậm chí là xấu xa có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của đất nước. Bác Hồ đã từng nói: “ Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó.” Những con người dám từ bỏ danh dự của mình ắt sẽ là kẻ vô dụng bởi họ chỉ chăm chăm vào bản thân, nhưng những người có đức mà chưa có tài thì làm việc gì cũng khó thì làm sao bắt kịp với guồng quay để tiếp nhận nguồn tri thức của thế giới. Vì thế , mỗi người phải luôn rèn đức luyện tài song hành cũng nhau, để đừng bỡ ngỡ trước sự phát triển của thời đại, để đủ tự tin góp sức đưa Tổ quốc Việt Nam bay cao.
          Là người học sinh được trau dồi và bồi dưỡng  học thức và đạo đức, là những người trẻ đang hoàn thiện nhân cách từng ngày, chúng ta – những chủ nhân hôm nay và mai sau của đất nước – phải luôn phấn đấu từng ngày, từng giờ để không phụ lòng tin yêu của Tổ quốc với thế hệ trẻ, mỗi hành động và việc làm của những người trẻ hôm nay chính là sự phát triển, là “nguyên khí” của quốc gia Việt Nam vững bền mai sau.

          “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, câu nói của Thân Nhân Trung sẽ còn vang mãi ngàn đời sau như một lời khẳng định của biết bao thế hệ Việt Nam, là lời nhắc nhở tất cả những người tài đức và tâm huyết sẽ dành trọn sự nỗ lực của mình xây dựng đất nước vững mạnh muôn đời. Muôn thuở dân tộc Việt Nam, “hiền tài” là cốt lõi của sự phát triển. Vì thế, từng cá nhân và toàn xã hội phải luôn cố gắng hoàn thiện giá trị của bản thân để non sông gấm vóc bốn ngàn năm Việt Nam có thể hoàn toàn tin tưởng vào sự cống hiến của những con người đủ đức đủ tài.
                                                                                                     Đặng Hoàng Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét