Tôi
đi học
Lời
đầu tiên xin gửi đến cô và các bạn lời chào trân trọng nhất. Hôm nay, em là Đặng
Hoàng Hà xin gửi đến cô cùng toàn thể các bạn một tác phẩm nhân văn mà em yêu
thích và vinh dự hôm nay được chia sẻ cùng cô và các bạn. Tác phẩm Tôi đi học của
Nhà giáo ưu tú – Nhà văn Nguyễn Ngọc Ký.
“ Người phi thường” – Một tên gọi gần
gũi và chân thật như chính cuộc đời của nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, một cuộc
đời phi thường. Thầy Nguyễn Ngọc Ký sinh ra năm 1947 tại mảnh đất Hải Hậu tỉnh
Nam Định. Sinh ra trong sự vui mừng của mọi người nhưng thật không may, khi mới
tròn 4 tuổi, cậu bé Nguyễn Ngọc Ký bị bệnh nặng và dẫn đến bị liệt hai tay. Tấn
bi kịch cuộc đời ập xuống những tưởng đã đẩy Ký vào ngõ cụt. Nhưng không, như một
câu chuyện cổ tích giữa đời thực, với khát khao được đi học, được viết chữ như
bao bè bạn cùng trang lứa, Nguyễn Ngọc Ký đã cố gắng vượt qua nỗi đau thể xác,
cố gắng dùng đôi chân còn lành lặn của mình viết nên những chữ cái đầu tiên của
cuộc đời khuyết tật, những chữ cái mở ra những niềm hi vọng tuyệt vời trong con
người Ký, trong tâm hồn Ký, bởi “ cậu là người phi thường”.
Cuộc sống công bằng vì dù lấy đi đôi tay của
Nguyễn Ngọc Ký nhưng đã cho thầy thứ còn quí giá hơn thế - lòng kiên trì. Từ những
khó khăn do khiếm khuyết cơ thể, Thầy Nguyễn Ngọc Ký đã cố gắng dùng chân kẹp
những viên gạch để cố gắng nghuệch ngoạc những chữ cái đầu tiên trên nền đất mặc
cho đôi chân tóe máu vì gạch quá cứng. Đó còn là kiên trì đến lớp để học từng
con chữ trong sự giúp đỡ tận tình của thầy cô và các bạn, và đó còn là sự kiên
trì vượt lên nghịch cảnh để góp sức dựng xây đất nước với vai trò là một người
giáo viên.
Là
một nhà giáo dạy văn nhưng ít ai biết nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký từng đại diện
tỉnh Hà Nam Ninh đi thi toán toàn quốc năm 1963 và đạt hạng 5 cả nước. Đó không
chỉ là niềm tự hào của bản thân thầy Ký và tỉnh Hà Nam Ninh, mà còn là sự khâm
phục của mọi người cho tấm gương vượt lên nghịch cảnh của thầy.
Nhưng
với ước mơ được truyền cảm hứng về số phận của mình cho mọi người, thầy đã chọn
khoa Ngữ Văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội theo sự động viên của mọi người bởi “ Ngữ
văn sẽ giúp Ký chia sẻ nhiều hơn cho mọi người về nghị lực của mình”. Trong 4 năm học Đại
học, dù bệnh tật luôn đe dọa tính mạng, song Nguyễn Ngọc Ký vẫn miệt mài đèn
sách. Thầy quan niệm: “Xa trường, xa lớp nhưng không xa sách vở”. Năm 1970, thầy
bảo vệ thành công Luận văn Tốt nghiệp và cho ra đời tập truyện ký viết bằng
chân đầu tiên với nhan đề : “Những
năm tháng không quên” (sau đổi là “Tôi đi học”) .
Tốt nghiệp Đại học ngành Ngữ Văn, Nguyễn Ngọc Ký đã nghe theo
lời khuyên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về Hải Hậu, Nam Định (quê thầy) làm
thầy giáo để “dạy các em phấn đấu vượt mọi trở ngại, khó khăn, góp phần thống
nhất nước nhà”.
Vào hai năm liền 1962 và 1963, thầy Nguyễn Ngọc Ký được Chủ tịch
Hồ Chí Minh trao tặng huy hiệu Hồ Chí Minh cao quý. Và vào năm 2005, Trung tâm
Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng ông danh hiệu: "Người thầy đầu tiên của Việt
Nam dùng chân để viết"
Nói về thầy
Nguyễn Ngọc Ký, chắc chắn ai trong chúng ta sẽ nhớ về mẩu chuyện “ Bàn chân kì
diệu” được học trong sách Tiếng Việt lớp 4. Đó là một mẩu chuyện nhỏ được trích
trong tác phẩm đầu tiên của thầy Ký – tập truyện Tôi đi học.
Tập truyện Tôi đi học là
câu chuyện, là hồi ức của thầy Nguyễn Ngọc Ký về hành trình vượt lên những khó
khăn để được đến trường, được học chữ và hơn thế là để chứng minh mình có thể.
Những câu chuyện là những mảnh ghép cuộc sống muôn hình của sự kiên trì và nỗ lực,
của tình yêu thương và sự dìu dắt. Nguyễn Ngọc Ký đã viết nên một cuốn sách ghi
lại cuộc đời thuở hàn vi của ông nhưng khi ta cảm được tác phẩm Tôi đi học, ta
mới hiểu ra, hóa ra đó chính là cuộc đời mình, một tuổi thơ vui vẻ, hồn nhiên,
một khát khao và niềm vui đến trường. Tác phẩm cũng lưu vào trong tim từng độc
giả từng khoảnh khắc xúc động, những khoảnh khắc thổi bùng lên trong ta ngọn lửa
nhiệt huyết, ngọn lửa của niềm tin vào cuộc sống còn lắm khó khăn, vì tôi đã từng
đọc ở đâu đó rằng : “Cuộc sống luôn có những phép màu”.
Cuốn tự truyện Tôi đi học được viết vào năm 1970 với tên
gọi ban đầu “ Những năm tháng không quên” bởi với thầy Nguyễn Ngọc Ký, tuổi thơ
không may mắn chính là tuổi thơ đẹp, tuổi thơ ấy đã cho thầy nghị lực phi thường,
lòng bao dung cao quý và hơn thế là niềm tin vào cuộc sống mến thương. Bao nhiều
lần trái gió trở trời làm đôi tay thầy đau buốt, nhưng thầy biết rằng, gục ngã
là đầu hàng số phận, gục ngã là phụ lòng tin mọi người, thầy lại cố gắng từng
ngày từng ngày.
Sau cơn sốt bại liệt,
đôi tay của cậu bé Ký bỗng trở nên “nặng trịch”, không đủ sức để giơ lên. Cậu
không thể cầm được quả cam, hay chơi đánh đáo cùng bạn bè. Thấy bạn bè được đi
học, cậu nhất quyết đòi bố mẹ đưa đến lớp. Lúc đầu, cậu học viết chữ bằng miệng,
nhưng không được. Không nản chí, cậu học viết chữ bằng đôi chân của mình với
nhiều khó khăn và nước mắt: “Nhiều lúc tôi đã lấy hết sức quặp thật chặt bút
chì, cố nắn nót từng nét một, thì cũng nhiều lúc tôi bị chuột rút đến co quắp cả
ngón chân”.
Hồi ức của thầy Ký cứ
ùa về qua từng con chữ. Nó mộc mạc và sinh động. Phải nói rằng, dù thầy Ký
không viết nên những câu văn trau chuốt mượt mà, nhưng câu chuyện giản dị với
câu văn mộc mạc của thầy Ký khiến ai đọc nó cũng không thể dứt ra. Nó có gì đó
gần gũi, có gì đó tinh nghịch, hay chăng là bởi cách xưng hô mang đậm chất địa
phương, hay bởi là những câu thoại thật trong cuộc sống. Đọc mới chỉ nửa tập
truyện thôi mà lòng như dâng lên cảm xúc kì lạ… ôi tuổi thơ.
Nào là tập đọc, tập viết,
nào là vót tre, đan rổ, rồi cả cầm kéo cắt chữ nữa chứ… những công việc tưởng
chừng như dễ dàng lại là thử thách khó khăn với thầy Ký, nhưng hơn cả, sự kiên
trì, nhẫn nại đã giúp thầy thành công. Đọc truyện của thầy ta không chỉ cảm được
cái nghị lực phi thường của thầy, mà hòa trong đấy là hỉnh ảnh của mẹ, của cha,
của gia đình thầy, của người bạn thân Bằng, Vân, Oánh, của cô Cương, thầy Mộc…
Bởi thầy Ký luôn ghi nhớ rằng, thành công của thầy phần nhiều là nhờ sự động
viên, giúp đỡ tận tình của những người luôn bên cạnh thầy bất cứ khi nào thầy cần.
Tấm gương nghị lực đã biến câu chuyện đời mình thành bài ca của tình yêu
thương, đùm bọc, của tình bạn gắn kết, của tình thầy trò sâu nặng. Và cũng nhờ tất cả những kỉ
niệm đẹp như vậy, thầy Ký đã luôn khắc ghi để có thể mang câu chuyện của mình
truyền tải đến bạn đọc một cách dễ đi vào lòng nhất.
Gần 70 năm cuộc đời với
hơn 70 tác phẩm đã được gửi đến công chúng, thầy Nguyễn Ngọc Ký đã mang lý tưởng
sống cao đẹp của mình để truyền cảm hứng cho mọi người, đó là những câu chuyện
về cuộc đời còn may mắn, đó là những bài thơ khích lệ ý chí vươn lên, đó là những
câu đố gần gũi cho các em học sinh. Thầy Ký đã mang những nét dí dỏm, yêu đời của
mình vào các tác phẩm, mang cả niềm tin và ước mơ được đem thêm ánh sáng hi vọng
đến với mọi người.
Cảm ơn thầy Ký, bởi nhờ thầy, nhiều người, kể cả người khuyết
tật lẫn người lành lặn, được tiếp thêm tinh thần để vượt lên khó khăn, nhờ thầy,
em lại được đọc những câu chuyện hay, những bài thơ xúc động và vắt óc suy nghĩ
cùng bè bạn với những câu đố dí dỏm.
Hà cũng rất may mắn khi được gặp thầy Ký và giao lưu về
tác phẩm Tôi đi học. Có thể nói tác phẩm Tôi đi học là một trong những tác phẩm
làm thay đổi cuộc sống của Hà, bởi nhờ tác phẩm này, Hà đã được Giải A liên
hoan kể chuyện thiếu nhi toàn miền Nam. Các bạn hãy về tìm đọc Tôi đi học của
nhà giáo ưu tú – nhà văn Nguyễn Ngọc Ký luôn đi nhé… Hà chắc rằng đó sẽ là cuốn
sách hay cần phải bổ sung ngay vào tủ sách của các bạn. Cảm ơn mọi người đã lắng
nghe phần thuyết trình của mình.
Đặng Hoàng Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét