MÁY MÓC CÓ BIẾT YÊU?
Đời sống văn hóa nghệ thuật luôn tìm tòi sự
tươi mới, giản dị nhưng đầy đặc biệt. Và trên bàn tiệc của hàng ngàn những thức
ngon vật lạ trong một buổi buffet ngẫu hứng của môn nghệ thuật thứ bảy, phim ngắn
bỗng trở nên nổi bật như cách mà nó lan tỏa hương vị tới mọi người. Không cầu
kì, không cần diễn dãi một cách dài dòng để níu chân khán giả hay tìm kiếm sự mượt
mà trong cách diễn đạt thông điệp, phim ngắn “ngắn” như tên gọi của nó, gãy gọn,
suôn sẻ và cái dư vị thông điệp cũng “ngắn”, nhanh chóng thấm sâu vào lòng người.
Một bộ phim ngắn đầy thú vị như thế đã góp phần mang chút hương vị giả tưởng
nhưng đầy thực tế, có chút gì đó u ám nhưng chứa đầy tính nhân văn ngời sáng,
đó là Invention of Love của Andrey Shushkov.
Một câu chuyện của tình yêu trong một
thế giới “máy móc”. Một khung cảnh những chiếc máy bị đập nát, một người đàn
ông cầm một bông hoa, một bắt đầu đầy khó hiểu khiến độc giả phải giật mình? Điều
gì đã xảy ra? Và khi chiếc máy hát cất tiếng nhạc, cả không gian kí ức như ùa về,
bắt đầu mạch truyện như chính tên gọi của bộ phim – Phát minh của tình yêu. Một
thế giới tươi đẹp, cuộc sống của con người trong thế giới ấy được sự hỗ trợ của
máy móc họ tạo ra. Đêm trăng – biểu tượng của sự vẹn tròn – là khung cảnh nên
thơ đưa hai nhận vật chính đến với nhau, đầy lãng mạn cùng sự giúp sức của chú
ngựa máy. Tình yêu đơm hoa kết trái, họ trở thành vợ chồng, bằng sự chuyển đổi
màu của ánh sáng rất hợp lý, tác giả cho khán giả thấy được một khung cảnh tình
yêu đầy hi vọng. Hi vọng ở nơi bầu trời thấp thoáng mấy tầng mây ấy, hi vọng ở
tình yêu tuyệt vời ấy, nơi hai người
đang bước vào cuộc hành trình mới của chính họ , cuộc hành trình mà không ai biết
sẽ đi tới đâu nhưng nó cho họ sức mạnh, niềm tin vào sự ấm áp và đầy tình người
trong thế giới mà họ tin tưởng.
Và
bông hoa – hình ảnh của sự sống duy nhất nếu không tính con người – được người
phụ nữ chăm sóc, đó là cách mà bà chăm sóc cho kỉ vật từng đưa hai người đến
bên nhau, chăm sóc cho niềm tin trong chính tâm hồn người phụ nữ, bởi dù cho
bao nhiêu máy móc vây quanh, chúng ta vẫn có quyền tin tưởng vào thế giới còn
có sự sống, còn có tình người. Hình ảnh người phụ nữ bước đi giữa đường phố
trong cuộc sống cứ ngỡ rằng của máy móc, nào là chú heo ngây thơ, cành cây xơ
xác hay chú bướm mỏng manh. Tất cả nay chỉ là những cỗ máy, tiếng chú heo ấy chỉ
còn là sự nhại lại vô thức, đôi cánh uyển chuyển của chú bướm đâu mất nay chỉ
còn là từng nhịp vẫy cánh rập khuôn theo từng vòng bánh xe trong cỗ máy trên
người chú. Mọi thứ giờ chỉ còn là sự sống ảo, hay nói cách khác, nó chỉ còn là
kỉ niệm, một chú heo máy cho chúng ta cảm giác thân thuộc của trang trại ở quê,
một chú bướm với những chiếc bánh xe trong thân cho chúng ta hoài niệm về những
thời gian ngày xưa đùa vui cũng lũ bạn, nhưng tất cả chỉ là quá khứ, và mọi người
phải nhìn nhận thực tại rằng, chúng nó chỉ còn là những cỗ máy vô tri vô giác
hoạt động theo ý muốn của con người, chúng sẽ không có bất cứ cơ hội vùng vẫy
nào trong thế giới của chúng và con người sẽ không có bất cứ cơ hội nào trong
thế giới chỉ dành cho máy móc. Người phụ nữ cảm thấy ngỡ ngàng, bà thất vọng vì
phải chăng mình cũng là một trong những người đã đồng thuận sống trong xã hội
máy móc ấy, lấy chồng là một kĩ sư, bà tự đặt cuộc sống của mình vào nơi của tiếng
cót két của máy móc, của nơi chồng bà cả ngày ngồi hàn, xì, sửa chữa. Và trong
sự tuyệt vọng, khi bông hoa bà đặt cả tấm lòng chăm sóc đã bị chồng thay thế bằng một bông hoa máy cồng kềnh, người phụ nữ
đã gần như sụp đổ. Nhạc chuyển nhanh, cái cảnh người phụ nữ đi tìm lại bông hoa
là cảnh quay nhanh duy nhất trong bộ phim, nó vội vã như níu chân lại những thứ
sắp qua đi, nó bóp nghẹn tâm can chúng ta, sự sống cuối cùng – bông hoa – cũng
sẽ phải nhường chỗ cho những thứ vô tri kia ư, chúng ta như thức tỉnh và nhìn lại
chính cuộc sống của mình. Bông hoa là đại diện của bao nhiêu mầm tươi đẹp của
cuộc sống, mỗi ngày thức dậy, bạn đã bỏ qua bao nhiêu bông hoa còn đọng sương
trên đường tới lớp, bạn đã vô tình giẫm lên bao nhiêu ngọn cỏ trong những lần vội
vã sợ muộn giờ, nhưng đã có ai nghĩ rằng rồi một mai kia, khi ngày của máy móc
lên ngôi, bông hoa đọng sương sẽ chỉ như miếng sắt bị dính nước, bãi cõ sẽ chỉ
còn bãi phế liệu đầy nguy hiểm, cuộc sống tươi đẹp đang bị tước đi khỏi chúng
ta bởi sự thờ ơ của chính bản thân mình, rồi đừng tiếc nuối.
Mọi
thứ diễn ra quá đột ngột, cô vợ đã ra đi mãi mãi khi cố tìm lại chút “sự sống
cuối cùng”, sự đau buồn khiến người chồng đập vỡ tất cả máy móc anh ta tạo ra,
một thông điệp đầy ẩn ý được tác giả chia sẻ : hãy hành động khi chưa quá muộn,
người chồng có thể quá muộn vì mãi đến khi vợ mất mới nhận ra sự vô giác của
máy móc, nhưng bạn còn thời gian để giảm bớt thời gian trên những chiếc màn
hình đầy rẫy sự mê hoặc, bạn còn có thế giới tuyệt vời ngoài kia với bao nhiêu
sự sống đang đua nhau nảy nở mỗi ngày. Câu chuyện kết thúc đầy buồn bã thông
qua việc làm mà tôi cho là đầy điên rồ của anh chồng kĩ sư : tạo ra người vợ bằng
máy, mọi cố gắng chỉ còn lại chiếc máy cứng đơ hữu hình mà vô hình, chỉ còn lại
hình bóng vợ anh trong tâm trí chứ không phải trong chiếc máy mà anh đang cố tạo
ra. Mạch cảm xúc của câu chuyện kết lại đầy lặng lẽ và xót xa. Ta xót cho nỗi
buồn mất vợ vì mải mê đeo đuổi nghiệp máy móc, ta xót cho cuộc đời này vì đôi
khi ta chẳng khác gì anh chồng tội nghiệp, chỉ mải mê với những thứ máy móc mà
quên đi những người thân yêu bên mình. Một kết thúc trọn vẹn nhưng mở ra một
cái nhìn đầy nhân văn.
Invention
of Love – một phim ngắn không một lời
thoại, không một khuôn mặt, chỉ là câu chuyện kể bằng cuộc sống của con người
thông qua những chiếc bóng, những hình ảnh tượng trưng, thật mà ảo. Một câu
chuyện quá buồn bởi cách sử dụng hiệu ứng ánh sáng cùng những giai điệu không lời
du dương mà tác giả đem đến cho người xem, một câu chuyện buồn nhưng bắt đầu
cho những điều vui. Bạn cảm thấy gì sau bộ phim? Theo tôi, đó là sống, bạn phải
sống chứ không được tồn tại, không được phó mặc số phận cho những cỗ máy vô tri
vô giác kia, bạn phải tự mình thoát khỏi giới hạn của bản thân để tìm kiếm bao
nhiêu con người, bao nhiêu nhành hoa, tiếng chim hót vui tai ngoài kia. Bằng lối
sắp đặt khéo léo điểm nhìn về mặt cảm xúc, tác giả dễ dàng lấy được sự đồng cảm
từ moi người. Chọn một cách kể chuyện không phải là mới, một cốt truyện mà ta
có thể đã nghe ở bất kì đâu nhưng bằng cái tâm, cái tình người mà tác giả đặt
vào bộ phim, thông điệp “Sống trọn vẹn” bỗng trở nên đặc biệt. Giá như tác giả làm
câu chuyện bớt buồn đi một chút, đem chút niềm tin vào câu chuyện thêm một chút,
mọi người sẽ dễ dàng cảm hơn, thông điệp của bộ phim sẽ lan tỏa nhanh hơn.
Nhưng với một bộ phim ngắn đầy thú vị như Invention of Love, Andrey Shushkov đã làm rất tốt khi góp
phần tô điểm thêm cho bàn tiệc nghệ thuật điện ảnh một hương vị rất riêng, rất
tuyệt vời của mình. Cảm ơn Invention of Love, cảm ơn cuộc đời.
M.H.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét