Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

[Thơ] Chuyện sau lũy tre


                                        Chuyện sau lũy tre

Nguồn: Internet

Những hạt sương còn vương đầu ngọt sữa
Trải nắng
Giữ mưa
Mới tối hôm qua
Lay nhành lúa đương trổ dăm bông hoa
Hoa li ti
Chứa đầy tâm sữa nóng.

Những đàn cá đang ngái ngủ bên sông
Hôm qua trời gột rửa
Cho chút thức ăn đầu ngọn gió
Ếch ộp… ếch ộp…
Ếch cũng còn reo vui
Nhưng cá ơi
Sao đìu hiu con nước
Vì nỗi niềm thấp nước
Hay tổ quốc chưa yên?

Những đàn trâu nằm dài ngủ triền miên
Cỏ ngả rạ
Sao không ăn lấy sức?
Thân èo uột
Sức cày đâu mất
Bao ruộng đồng chờ đợi sức trâu lên
Nhưng nỗi buồn trâu chẳng biết gọi tên
Khiến đồng ruộng chỉ chóe màu vàng chói
Máu trâu đỏ
Trâu chịu lời mái ngói
Nước mất rồi
Trâu sống làm chi?

Những con người trước buổi phân ly
Dòng nước mắt nghẹn lại nơi trong vắt
Chân đi
Tay đánh
Đầu sáng rõ
Làm chiến sĩ
Làm anh hùng muôn dân

Đàn gà nhỏ đang mổ thóc ngoài sân
Giàn bí trĩu đang chờ tay người hái
Thân bu già
Bu chẳng buồn tay ngái
Bu chỉ nhớ con
Nhớ đất nước thanh bình
Con đi nhớ về với bình minh
Bu đứng đợi, đầu ngõ cũng đứng đợi
Nhé
Con ơi…

                                                                   M.H.

[Cảm nghĩ] Có những mùa hoa đỏ như thế!

Có những mùa hoa đỏ như thế !!!
                                                                                                  Đặng Hoàng Hà

Có lẽ rất lâu rồi tôi mới lại có nhiều cảm xúc về những chuyến đi tình nguyện như thế. Cũng đã ba bốn năm từ những chuyến đi thăm hỏi các gia đình chính sách mà tôi vinh dự được tham gia khi công tác phong trào Đội ở bậc cơ sở. Đến nay là cả hàng chục lần tôi và những người bạn tốt bụng xung quanh tôi đã và đang mang tới những niềm hạnh phúc cho những mảnh đời còn lắm khó khăn xung quanh mình. Nhưng tại sao Hoa Phương Đỏ lại có một vị trí tuyệt vời trong tôi như thế? Đến chính mình, tôi còn không nghĩ rằng, tôi phải hàm ơn những chiến dịch ngập tràn sắc đỏ này đến tận mai sau…
          Khi còn mới đang là học sinh lớp 10, tôi học ở cơ sở 2 của trường tôi. Chỉ vỏn vẹn 60 học sinh, và có nhiều chuyện nhức đầu của bao lần dính những câu chuyện phân bì không hay trên mạng. Vì thế hành trình của tôi là viết lại câu chuyện đáng chán ấy bằng việc kết thân nhiều hơn với mọi người ở cơ sở 1. Vâng, mọi người có thể thấy tôi viết thì dễ lắm chứ làm với tôi là một ải khổ. Tôi ba trợn, tôi tếu táo, tôi hào hứng hay nhiệt tình, chỉ ở trước mặt những người tôi quen, à chưa đủ, những người tôi thân. Tôi tự nghĩ mình là một người sống nội tâm, tôi sợ sự gièm pha không đáng có, tôi ngại về những sự chỉ trỏ vô thường nhiêu khi đối tượng còn chẳng phải là tôi. Thế đấy, tôi khó khăn trong cả cách suy nghĩ như thế thì sao có thể mở lòng được với mọi người. Nhưng ngặt là tôi sợ cái gì thì thường làm cái đó, sống trong sợ hãi thì dù có gì xảy ra cũng đỡ sốc hơn sống trong vòng an toàn của mình nhỉ. Thế là tôi đăng kí đơn Hoa Phượng Đỏ năm 2015. Một mùa hè kì lạ của tôi bắt đầu.
          Tôi gặp rắc rối ngay trong khâu điền đơn là đánh sai thời gian và nội dung mình muốn tham gia, và đau đầu hơn là tôi quên luôn mình đã đăng ký cái gì. Khổ thế chứ. Đến lúc nhận được mail đi phỏng vấn, tôi nhìn mail… bật facebook… nhìn mail…. Rồi lại bật facebook… Tôi vô cảm với Hoa Phượng Đỏ như thế đấy.
          Sáng hôm đó đi phỏng vấn, lại phải lăn lội vào một ngôi trường quen mặt nhưng lạ cảm giác, đã thế còn là trường đại học, tính đã nhát còn lười, tui cứ lẩn thẩn đi tìm phòng mà chả dám hỏi ai, thế nào lại ngó được một chị mặc áo trường mình chạy xe máy vào. Thế là đứng chờ luôn, mà chả dám lại hỏi chị ấy, cứ đứng từ xa rồi di chuyển theo lên phòng dùng để phỏng vấn. Nghĩ lại cũng nể mình ghê. Hên là chị đi phỏng vấn thật chứ không lại lạc chỗ nào thì nguy.
          Trong phòng đấy ban đầu chỉ có chị Bí thư mập là mình quen còn lại lạ hoắc. Ngôi im như thóc luôn. Tí có mấy đứa học chung cơ sở với mình vào phỏng vấn nhưng lúc đó vẫn chưa thân nên cũng chào hỏi qua loa thôi. Mình được một chị hơi khiêm tốn chiều cao trong ban chấp hành phỏng vấn (Xin lỗi chị em không nêu tên nếu chị có đọc nghen) Ngay lập tức nhận diện người nhá ^_^ “Chi nghe chị O nói em là bí thư cơ sở 2 hả?” Vậy là cứ ừ à trả lời tựu tin vì mình đã tin rằng sau câu hỏi đầu tiên ấy kiểu gì mình chả đậu phỏng vấn … vả lại những kiến thức và kinh nghiệm của mình cũng dễ dàng trả lời những câu hỏi đó, mình nghĩ thế vì mình đã làm rất tốt cơ mà. Thế là được đi.
          Mình được vào đội hình Người Bạn Ngoại Thành. Tưởng đi chiến dịch lâu lắm như kiểu Mùa Hè Xanh ấy các bạn, mà nghe đi có ba ngày cái xong bị hẫng luôn. Hơi bị buồn, kiểu như mấy thứ mình tưởng tượng ra đị đạp nát không thương tiếc luôn ấy. Làm mình cũng ở nhà ăn chơi lê lết chán chường mất cả tháng trời mới bắt tay làm việc cho đội hình. Từ khâu chuẩn bị này kia nọ cũng nhiệt tình tham gia nhưng… chỉ đợi ai sai làm thì làm, nhìn cái gì có thể sửa được thì sửa chứ mình không dám lên tiếng để mình làm cái này cho, làm cái kia cho. Nói chung là ngại và lười mở mồm nên nhiều khi cũng thấy mình vô dụng. Điển hình là lúc bầu đội trưởng đội phó, mình đã được chị chị huy mớm cho mình làm đội phó, tại cũng kiểu mình sẽ là Ban chấp hành ở cơ sở mình nên mình cần ràn luyện và quen biết mọi người nhiều hơn ấy. Thế chẳng hiểu sao lúc bầu đội phó chị chỉ huy hỏi tận gần chục lần, cũng nhìn mình kiểu sao em không giơ tay, mình cũng nhìn lại chỉ và cười… Nói thật lúc ấy lười vô cùng, mà sợ nếu mình giơ tây mà tụi cơ sở 1 biết mình cơ sở 2 thì lại này nọ kia, nói chung là cũng bị ám ảnh vụ so bì các bạn ạ. Nên cứ rắp tâm là chắc không ai giơ tay thì mình giơ tay, đợi lâu lâu lắm mình mới dám lấy tay trái của mình cố nhấc tay phải giơ lên thì có hai bạn nữ cùng giơ tay. Thế mình lại từ bỏ. Nhiều khi mình đánh mất những cơ hội của mình thế đấy mọi người.
          Mùa hè năm 2015…
          Ngày 1, tập trung xe mình ra tận sau ngồi, không quen ai và cứ ôm cặp nhìn ra cửa sổ khi xe chuyển bánh đi Cần Giờ. Xuống địa điểm tập kết, cũng nói chuyện với vài người và chỉ huy, cũng đùa đùa thường thường, mà mình kiểu là người không biết đùa ấy, cứ thấy mọi người giỡn với nhau kì kì. Tụi mình đi thăm gia đình chính sách ở địa phương, nắng chói chang nhưng đường chúng mình được trát bê tong nên cũng khỏe lắm. Đi lòng vòng qua mấy hàng dừa nước mà mình thốt lên mấy câu nghe trẻ con kinh dị, kiểu mình cũng lần đầu tiên thấy tận mắt cây dừa nước đó các bạn. Và một chuyện đáng xấu hổ đã xảy ra, giời ạ… cuộc đời mình rất yêu các con vật, nhưng lúc chúng hiền cho mình sờ mó cơ… Thế là hôm ấy đi tặng quà cho một gia đình trong hẻm sâu, trên đường đi vào đầy chó, không biết ai chọc cho con nào sủa mà cả đàn chó từ trong mấy nhà trên đường đi hùa nhau ra sủa. Mình sợ tợn, xanh mặt đứng im luôn, cả đội lần lượt đi qua còn rớt lại mình mình, hên là có vài bạn quay lại đẩy mình vào bảo cho không cắn nên cũng cắn răng đi tiếp. Nói chung là xấu hổ tợn. Nhưng cảm ơn mấy chú chó nha. Nhờ thế mình trở thành chủ đề cho mọi người, cũng vui lắm vì ai cũng hỏi han này kia, cũng chọc này kia rồi tự nhiên thân với mọi người luôn. Nhưng vẫn  giữ sự im lặng mà mọi người gọi là lạnh lùng kia… tại không thân với ai nên cũng không nói chuyện được nhiều. À trưa đó còn được rủ chơi Uno, một thể trò chơi dùng thẻ loại Boardgame , lần đầu tiên chơi, lần đầu tiên được biết và thử, như du mục lên thành phố nhưng  cảm ơn mày nha H. Nhờ mày mà tao bớt lú và tiếp cận gần hơn “văn minh loài người”.
          Ngày thứ 2, tụi mình tổ chức sân chơi cho các em thiếu nhi. Mình không đảm nhiệm gian hàng nào cả vì mình chả xung phong làm gì, nên cứ lang thàng từ gian hàng này qua gian hàng khác, lăng xăng khắp nơi. Và mình vui lắm, thằng điên này cực kì vui khi thầy mọi người vui. Niềm vui đến cũng lại nhỉ. Mấy chiến sĩ Hoa Phượng Đỏ tổ chức trò chơi bở hơi tai mà đùa giỡ nhau, vui, mình cũng vui. Mấy em thiếu nhi chơi khí thế, cười sảng khoái và còn khoe em có nhiều kẹo, mấy em cười tít mắt, mình cũng vui. Mình tìm thấy những động lực sống qua những thứ giản dị như thế đấy. Mình đã cảm giác ít nhất mình không vô hình.

           Ngày 3, chúng mình cũng đi thăm hỏi các gia đình chính sách khác nữa. Ngoài ra trong chương trình có cho tụi mình đi đan lát giỏ xe đạp, đội mình kéo một tụ vào nhà dân để học này kia, sau khó quá với lại ai cũng thấm mệt nên cứ lơi dần ra vào những câu chuyện chia sẻ ngày cuối. Kiểu “ Tôi không ngờ ông lầy vậy luôn” , “Tưởng hiền mà điên không tưởng” rồi cười đùa dữ dội. Lúc đó mình còn kia luôn nghề bảo mẫu cho thằng bé con chủ nhà, thằng bé hơi ít nói, nhưng những trường hợp khó nhằn lại rất hợp với mình. Mình cảm giác rất thân với những đứa trẻ con, đặc biệt là mấy đứa nhỏ lầm lì, ngại tiếp xúc, mình cảm giác tụi nhỏ mang hình ảnh của mình trong đó. Mình đã nhờ rất nhiều thứ để tự tin lên từng ngày và tìm ra niềm vui trong cuộc sống. Tụi nhỏ cũng xứng đáng được như thế, chúng nó xứng đáng được chơi cùng lũ bạn, được hào hứng vui đùa không lo nghĩ, và mình tin mình phù hợp với điều ấy. Mình còn nhớ bé tên Phúc, cứ ngồi chơi ô tô đồ chơi mãi. Mình đã chơi với bé, lạ là chỉ mình mình chơi được. Rồi vừa tám chuyện trên trời với đội, vừa chơi với Phúc, mình thấy mình yêu sự bận rộn dễ thương ấy mất rồi. Ngày cuối cùng đã khiến mình gạt bỏ những suy nghĩ về những người học cơ sở 1 khó gần, khiến mình thân thiết hơn với mọi người và nhận ra mình rất có khiếu chơi với trẻ con. Thế đấy, tựu trung tất cả điều tuyệt vời của Hoa Phượng Đỏ mùa đầu tiên của mình chủ yếu ở ngày cuối. Và mình đã lỡ “say nắng” Hoa Phượng Đỏ 2015 rồi.
          Và chính Hoa Phượng Đỏ 2015 đã khiến mình háo hức đăng kí đơn của năm 2016. Nhưng ngặt nỗi đến ngày phỏng vấn lại lười quá chả đi. Mẹ mình thì cứ dửng dưng bảo năm ngoái đi rồi năm nay không đi cũng chả sao đâu. Làm mình cũng xuôi xuôi tính bỏ, nhưng thấy ở nhà chán quá, thế là xách điện thoại gọi ngay cho thằng bạn xin một suất. Dù đi “cửa sau” hơi ngại xíu, nhưng mình thấy Hoa Phượng Đỏ 2016 của mình rất đẹp. Mình xin chia làm hai phần: Mái Ấm và Ngoại Thành, hai đội hình mình tham gia, một đội hình chính và một đội hình đi ké.

          Với Mái Ấm, mình dễ dàng cảm thấy thoải mái ngay khi nghe tiếng trẻ con cười đùa dù chúng chả chơi với mình nhiều lắm, hơi tủi. Chắc tại mặt khó gần, nhưng vẫn có những thằng đệ ruột, đặc biệt là bên Nhà an toàn. Mình đến tham gia vui chơi và sinh hoạt với tụi nhỏ với tâm thế đơn giản: “Cố gắng vui vẻ nhất có thể vì cũng chỉ vài buổi thôi mà”. Những hơn hết chỉ vài buổi đó bỗng khiến mình thấy thời gian tham gian đội hình Mái Ấm sao ngắn ngủi quá, ngắn cho tình thương bỗng chốc bất ngờ bị hẫng, ngắn bởi những ngày ấy như chỉ là hôm qua thôi. Và ngắn cho trái tim mình bỗng trẻ lại, được thấy mình sống không vô nghĩa, được đem yêu thương san sẻ niềm vui. Mình không sợ người khác đánh giá về cách mình làm, nhưng mình rất sợ các em nhỏ có ấn tượng xấu về mình. Trẻ nhỏ là trang giấy trắng ( vài đứa ở Mái ấm là giấy sắp nhàu nát rồi, quậy tưng luôn ấy) nên những ấn tượng của chúng nó về mình ban đầu nên thật đẹp thì tốt lắm. Ở Thảo Đàn, mái ấm lúc tụi mình đi đang trong giai đoạn hoàn thiện sửa chữa nên rất bụi và khá bừa bộn. Đây là mái ấm mà mình song hành đi lên từ Bình Dương với đứa em lớp dưới, thử cái cảm giác để người khác chờ mình ấy, khó chịu kinh. Mình đã tập mở mắt sớm hơn, đi bộ nhanh hơn mà vẫn bị xe buýt cho ăn quả chạy lố mấy lần. Nhờ vậy mà mấy bữa sáng được tập thể dục bất dắc dĩ. Nhưng quan trọng hơn, mình đã có người bạn đồng hành có thể trò chuyện. Vì học chung trường cấp hai luôn nên cả hàng tỉ tỉ câu chuyện khắp bốn bể và đầy xàm xí được đưa ra để khiến cái miệng mình không bị thiếu nói. Và nếu em có đọc được những dòng này thì cho anh cảm ơn nha, chân thành cảm ơn em gái đã cho anh thêm một động lực để mở mắt vào buổi sáng và cho anh những câu chuyện lê thê không đầu đuôi để anh có thể thoải mái trò chuyện với mày. À Thảo Đàn chỉ có thế thôi, thực ra mình đi hai mái ấm thì có vẻ tụi trẻ con ở Thảo Đàn không thích mình cho lắm trừ một trường hợp đặc biệt, mình kể sau nha.

          Với Nhà an toàn ở Gò Vấp, mình đã phải ngồi trên xe buýt tận 2 tiếng rưỡi đồng hồ để đến nơi, đi cái xe 55 mà nó lượn muốn hết vòng thành phố. Mái ấm này nằm ngay trong khu dân cư nên đã gặp những chuyện tréo ngoeo vô cùng. Đời thuở nào mà chơi đùa với con nít mà cấm làm ồn. Đến chơi búp bê cũng phải để cho tụi con nít nó tíu tít mới vui chứ đời thuở nào con nít ồn liền sang mắng. Xin lỗi các bác hàng xóm rất nhiều nhưng cháu không thể hiểu nổi. Không phải các bác không biết bên này có con nít chơi đùa, tại sao lại kìm hãm tụi nhỏ trong lúc tụi nó đang hưng phấn? Trong khi các bác bảo nhà các bác cũng có người đang học, có trẻ con sao không cho chúng nó sang chơi cùng, cháu nói khí không phải chứ nếu con cháu các bác đang vui đùa mà bị quát khiến nín thinh thì các bác nghĩ thế nào. Hùa vào quát con để trạt tự à, sai, quá sai. Chỉ mong các bác hãy hiểu cho mái ấm và chia sẻ niềm vui với các em. Tụi nhỏ không phải là quá thiếu thốn tình cảm nhưng tụi nó cần những niềm vui trong hè như thế để cố gắng họp tập hơn chứ phải không ạ? Nhưng quan trọng là các chiến sĩ và các em dù bị nhắc hoài mà vẫn cứ ồn như cái chợ, đến nổi cô quản mái ấm phải ra nhắc nhở các kiểu và bắt phạt vài bé thì mọi thứ mới yên ổn, thường là tới lúc đó mọi người sẽ ngồi “rì rầm” nói chuyện với nhau. Cũng tội cho cô quản mái ấm lắm, cung bị hàng xóm thưa mấy lần lên phường vị tụi nhỏ ồn ào, nên cô khẩn thiết mong hàng xóm có thể bỏ qua cho mái ấm ạ. Tụi nhỏ ở đây đứa nào cũng sà nẹo sà nẹo mấy chiến sĩ. Nghịch như giặc và rất thích chơi ném đồ, chọi thì nghe hợp cảnh hơn. Nhưng mình cũng “khai thác” vài thông tin về mấy đứa này nọ kia rồi ngồi đùa bỡn nhây nhây vậy. Nói đại loại là mình chỉ ngồi một góc và thấy đứa nào không tham gia với mọi người thì rủ rê tụi nó này kia rồi giúp tụi nhỏ “tìm lại niềm vui”, đây là một năng khiếu của mình. Mấy buổi cuối mình bị vài đứa “hành hạ” thê thảm. Nào thì tù tì ăn đánh, ném bom các kiểu, vật lộn chọc lét đủ cả, bơ phờ luôn. Nhưng lúc về thì cứ tủm tỉm vui thế nào ý. Nhớ nhất vào buổi cuối cùng, mấy đứa bên Nhà an toàn cứ bịn rịn sao ý, nó quý nó thương mấy chiến sĩ dữ lắm, cũng có vài giọt nước mắt. Mình cunxgc ó vài lời hứa từ tụi nhỏ và từ mình cho tụi nhỏ làm của riêng. Điều đó khiến cho cuộc sống của mình có thêm những dòng kỉ niệm dễ thương và đầy yêu thương. À ngày cuối ở Thảo Đàn không bịn rịn mà lố nhố các kiểu luôn, quậy cà tưng cà giật các kiểu, nhưng hôm đó mình đã giúp một bé mới hòa đồng với các bạn, mình trân trọng những trải nghiệm cho mình nhưu thế, để hiểu mình có thể làm gì và cần hải làm gì. Chuyện là ban đầu bé trai ấy chẳng chịu chơi hay nói chuyện với ai, cứ ngồi trên ghế nhìn mọi người, cốt là mình nhờ một bạn lại trò chuyện với bé nhưng mọi thứ cũng không tiến triển lắm nên mình cũng thử vào dỗ dành này kia. Và trò chơi tù tì ăn đánh đã phát huy tác dụng triệt để, bé háo hức và nói luyện thuyên, mình cũng cảm phục mình luôn ấy. Riêng hôm đó còn bị dính trò “Sự thật hay Thử thách” làm nói ra tên người mình thích, cũng không nghĩ là mình sẽ nói ra người đó đâu. Nhưng nói rồi bỗng thấy vui vui, biết đâu đó là cơ hội, mà thôi chuyện cá nhân tính sau.

          Và trong đó tụi mình có một chuyến đi xuống Trung tâm Bảo trợ Xã hội Chánh Phú Hòa, các em nhỏ ở đây trong lần này mình trỏ lại có lớn hơn, có vui hơn nhưng các em cứ thiếu vài điều gì để hạnh phúc hơn trong cuộc sống thì phải. Các em ở đây thiếu may mắn khi không nhận được sự yêu thương, dạy dỗ trực tiếp từ cha mẹ, cũng vì nhiều hoàn cảnh, nhiêu câu chuyện đời nên các em cũng hiển hiện lên trên gương mặt mình một cái buồn gì đó. Có thể là sự ngây thơ khi thấy những trò chơi mới, có thể sự ham thích khi được cho đồ ăn, nhưng đằng sau đó là sự thiếu thốn tình cảm và vật chất, khiến ai cũng phải động lòng. Thôi tìm chuyện vui nào, đợt này đi cơ sở 2 mình cũng đông đông nên mình cũng nói chuyện nhiều, thân hơn được vài đứa, gây ân tượng và có thiện cảm hơn với nhiều đứa cơ sở 1, điều đó rất tuyệt vời với mình, mọi người hiểu phải không? Ngoài ra cũng là lần đầu tiên mình bộc lộ mình trước nhiều người “lạ” như vậy, nhờ trò cướp cờ mà mình cũng nể mình, quên chuyện trò ấy thắng hay thua, điều mà mình nhận được  là hãy sống thật hết mình, mình vui thì mọi người xung quanh cũng sẽ vui. Mình rất hạnh phúc vào ngày đó. Cảm ơn Chánh Phú Hòa.
          Cũng nhân tiện chia sẻ với mọi người, những đứa trẻ ở hai mái ấm chỉ có vài đứa là được mái ấm nhận nuôi thôi còn lại đa phần là ở khu vực xung quanh đến sinh hoạt hè với mấy anh chị nên mấy đứa cũng đầy đủ, sung túc, mập mà thiếu điều giàu hơn mấy chiến sĩ luôn ấy chứ. Nên tụi nhỏ ở đấy cũng vui tươi hơn, thoải mái hơn và đùa giỡn bạo hơn, giờ nhớ lại vẫn còn sợ. Nhưng muốn đi nữa cơ…
          Còn với Ngoại thành, mình không là thành viên của đội này nhưng được “đi ké” tận cả 2 ngày chiến dịch của đội về Cần Giờ luôn, cảm ơn anh phó bí nhiều nhiều nha. Và bây giờ là chuyện Cần Giờ.
          Ngày 1, lại tổ chức sân chơi. Và lại là địa điểm cũ, xuống xe lại thấy lòng lâng lâng, kí ức năm ngoái còn rõ ràng và đẹp lắm. Sân chơi được bày ra và thiếu nhi vẫn cứ đông như năm nào. Có một bé mập nuc ních chân không đi dép cứ nhón nhón khắp nơi tìm kẹo ăn, làm bị cuồng luôn, nhìn bé như đòn giò lụa, thịt không là thịt. Rồi mình nhận thấy những quà bánh các em được cho sau khi nằm rải rác trên đất nên mình đã nhờ một bạn gái xinh đẹp kiếm hộ mình cái tụi nilon để được rác. Trong lúc đó mình đã giữ một bé gái còn đang bế trên tay hộ bạn, cảm giác khi bé em bé trên tay là gì bạn biết không? Trời quoi tôi muốn có con. Mấy đứa nhỏ dễ cưng gì đâu. Rồi sau đó là chiến dịch đi gom rác và xin rác, đến độ gom xong mà đau lưng luôn ấy, có vài bé đã hiểu nên ăn xong cứ tíu tít tìm mình để “cho” rác. Vui lắm kìa. Nhưng có một trường hợp vô cũng đáng thất vọng thế này các bạn ạ. Có bà cụ nhà ngay chỗ bọn mình tổ chức trò chơi, cụ cũng ra ngồi với con cháu cho vui, cũng xin chúng tớ ít kẹo để ăn cho đỡ buồn miệng, mọi chuyện sẽ không có gì nếu như cụ không XẢ RÁC. Không thể tin được. Hai lần đầu mình cũng lại chỗ cụ mới xả cuối xuống lượm, cũng không nhắc cụ này kia tại cụ lớn tuổi hơn mà mình nhắc nhở thì rất vô lễ, nhưng mình không thể chịu được khi lại có lần ba, bốn và tận năm lần mình tiếp tục nhặt vỏ kẹo của cụ. Chẳng thà cụ không biết, đây mình đem bịch rác tới tận nơi chân cụ cuối xuống bỏ vào bịch, rồi nhắc nhở mấy đứa nhỏ nhớ ăn xong đưa ác vào bịch nilong cho anh gần chỗ cụ mà cụ vẫn xả rác làm mình vô cùng thất vọng. Mình không giận cụ đã làm sai, mình giận cụ đã không sửa sai. Đến độ mình phải bảo vài đứa không phát kẹo cho cụ nữa luôn, nói chung là quá tức luôn đấy, nhưng khổ là đến lúc mình nói cũng đã vãn mấy gian hàng và chuẩn bị rời đi rồi, nói hơi trễ. Dẹp chuyện trái ngang đó sang một bên nào. Trong buổi sân chơi ấy, mình cũng sử dụng hết công suất mấy túi áo để giữ kẹo hộ tụi nhỏ, tụi nhỏ vừa đưa kẹo mình giữ vừa đùa với mình vui lắm. Và làm mình xúc động nhất là khi lúc mình sắp về bé gái nhờ mình giữ kẹo lúc nãy cho mình hai củ ấu. Lúc đầu cứ tưởng bé đùa với mình vì cũng lần đầu thấy củ đó nên mình không biết củ gì, bèn nhờ mấy đứa nhỏ xung quanh ăn thử một củ. Mới biết quà mình vừa bị mất một cái vào miệng bọn trẻ, tiếc gì đâu luôn. Nhưng mình vui lắm, mình đã nhận được một củ ấu dễ thương và hơn hết là sự tin tưởng của lũ trẻ với mình. Vui hết quãng đường về.
          Ngày 2, lại tiếp tục tổ chức sân chơi, nói chung là đi ké nên cũng phụ này kia thôi, nhưng lại mang ơn anh phó bí, mày cứ khen tao làm đẹp nức nở khiến mình vui như bắn pháo bông trong bụng luôn. Chiều đi tham các gia đình chính sách, ban đầu là tính đi với đội của phó bí, nhưng nó nhờ mình qua giúp đỡ đội … gọi sao giờ… à đội Dừa nước. Đi thăm hai gia đình năm ngoái đi rồi nên thấy mình thật superman khi biết nhà trong khi anh dẫn đường vẫn còn đang dò hỏi người dân. Cảm ơn anh dân phòng nhiều nhiều nha. Chuyện sẽ rất nhàm chán nếu lúc về mình không nảy ý tưởng vặt trộm dừa nước… giờ nghĩ lại thấy mình bậy quá hà haha. Mà bị tụi nhỏ kích thích kêu vặt đi thêm cái cũng ham muốn cũng tính vặt thật mà sao bị thằng trong BCH nài nỉ, sợ sệt này kia nên cũng hơi hoảng. Thế là lúc ra về hỏi ngay một cô hàng dừa nước này của ai thế và MAY QUÁ , hỏi ngày bà chủ luôn. Thế là cô mời tụi mình ăn dừa nước luôn, lần đâu tận mắt thấy chặt dừa nước là như thế nào, háo hức 7 con người chăm chú nhìn cô, thích gì đâu, ăn trực tiếp hơi nhạt do không có đường nhưng mà nó thơm và bùi lắm các bạn ạ. Lúc ra về còn định vặt xoài mà thấy nhà khóa cổng nên thôi… Âm mưu thất bại. về còn được đãi nước mía nữa, cảm ơn đội Dừa nước nghen. Và cảm ơn Hà hôm này dám liều luôn  Hà ơi….
          Một mùa hoa nữa đã trôi qua như thế, bình dị và lặng lẽ hơn nhưng đó là cả một cách sống được tôi luyện tốt lên từng ngày.

          Tự thân Hoa Phượng Đỏ đã là một điều tuyệt vời cho tất cả thế hệ chiến sĩ trên thành phố mang tên Bác. Nhưng điều ý nghĩa hơn, mỗi chiến sĩ qua mỗi mùa hoa đỏ như thế lại thấy mình lớn hơn một chút, yêu quê hương mình hơn một chút và luôn tự hào vì từng là một phần của những mùa hoa phượng đỏ khắp phố phường Hồ Chí Minh.


          Còn với tôi, từ lúc bắt đầu, Hoa Phượng Đỏ đã cho tôi những cảm nhận đầu tiên về một môi trường năng dộng và nghĩa tình của tuổi thanh xuân cống hiến như thế. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất láng giềng Bình Dương, những mùa hoa đỏ ấy đã giúp tôi yêu thêm mảnh đất giúp tôi trưởng thành là Thành phố Hồ Chí Minh, giúp tôi có những cái nhìn thiện cảm và lạc quan hơn trong mối quan hệ giữa người với người khi mang tâm thế là một nhà quê lên thành thị đúng nghĩa. Tôi cảm ơn những mùa hoa ấy đã cho tôi những lần đầu tiên của mình, không chỉ là lần đầu tiên đặt chân đến đất Cần Giờ hay lần đầu phải tự mình bắt chuyện với người khác để không cảm thấy lẻ loi, đó còn là những lần đầu trái tim và khối óc cùng biết yêu một người là tuyệt vời thế nào, lần đầu trái tim vạch cho khối óc mục tiêu để hoàn thiện, lần đầu biết mình yêu lắm cái nụ cười trẻ thơ và những lần đầu hiểu được vì sao mình xứng đáng sống và sẽ sống xứng đáng như thế nào. Cảm ơn những lần đầu tuyệt vời như thế đã cho mình trở nên yêu chính bản thân mình và mọi người xung quanh hơn, trân trọng từng khoảnh khắc bên mọi người hơn. Cảm ơn Thành Đoàn đã tạo ra cho đến nay là 11 mùa Hoa Phượng Đỏ để sẽ còn biết bao thế hệ đàn em sẽ có được những trải nghiệm tuyệt vời cùng với chiến dịch. Cảm ơn các anh chị bạn chỉ huy đã “nâng đỡ” để mình tham gia trọn vẹn, cảm ơn những người bạn đồng hành đã cùng mình viết nên những kỉ niệm đẹp trong kí ức Hoa Phượng Đỏ. Và cảm ơn chính bản thân mình đã cố gắng thay đổi từng ngày để tìm kiếm thứ mình phù hợp để thuộc về. Cảm ơn tất cả và chân thành trân trọng mọi thứ cùng mọi người. Yêu.

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

[Thơ] Đẹp một tình yêu


     Đẹp một tình yêu…

Là bao la của cánh buồm đón gió
Khuya sớm dặm trường lướt biển khơi
Kể chuyện ở nơi hải đảo xa xôi
Vẹn mối tình nửa ruột thịt đất nước.

Là dày đặc của phi lao, rừng đước
Nơi cửa biển, vùng đất mặn ngàn năm
Ánh tà dương đón gió biển xa xăm
Gửi chút đậm đà cho vị mặn tổ quốc.

Là đồng ruộng của bốn mùa lem luốc
Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời
Hạt ngọc tinh túy từ giọt mồ hôi
Kể chuyện của đồng bằng thẳng cánh.

Là mảng xanh, là muôn chim sải cánh
Nơi cheo leo của núi non mát lành
Nghe râm ran câu chuyện thuở trăng thanh
Chuyện muôn loài sống bên nhau hòa thuận.

Việt Nam, nơi cắt rốn chôn rau
Một dải đất vẹn một hình chữ S
Nơi huyền thoại tổ tiên ta soi xét
Bốn ngàn năm non nước vững bền.

Từ Tây Bắc bốn mùa không quên
Của cái lạnh cứ cắt da cắt thịt
Là đồng bằng nơi phù sa chằng chịt
Nếp cái hoa vàng, hương cốm thủ đô.

Vịnh Hạ Long, di sản UNESCO
Xuôi tiếp theo chiều dài đất nước
Là quê Bác, Nghệ An ở phía trước
Dải đất miền Trung nắng gió anh hùng.

Nửa cuộc đời tới Huế trùng phùng
Lãng mạn quá, một chiều tím biếc
Đà Lạt ơi của những ngày thanh khiết
Sương phủ mờ cho hoa tỏ mộng mơ.

Đông Nam Bộ, đất lành hóa nhà thơ
Ca khúc khải hoàn chiến thắng năm ấy
Màu mỡ cho tình thương biết mấy
Hòa quyện đôi dòng Tiền – Hậu thương ai.

Cho rừng nhớ mãi, đất nguyện không phai
Là Đất Mũi cuối vòm trời tổ quốc
Năm mươi bốn dân tộc bất khuất
Cùng về đây tụ hội vui ca.

Đất nước ta đất nước của ngàn hoa
Ngàn hoa tươi cho hòa bình sáng mãi
Việt Nam ơi, ta xin nguyện ca mãi
Quê hương này đơn giản, đẹp …. thế thôi !


                            M.H.

[Thuyết trình] Tác phẩm Tôi Đi Học - Nguyễn Ngọc Ký



Tôi đi học

            Lời đầu tiên xin gửi đến cô và các bạn lời chào trân trọng nhất. Hôm nay, em là Đặng Hoàng Hà xin gửi đến cô cùng toàn thể các bạn một tác phẩm nhân văn mà em yêu thích và vinh dự hôm nay được chia sẻ cùng cô và các bạn. Tác phẩm Tôi đi học của Nhà giáo ưu tú – Nhà văn Nguyễn Ngọc Ký.
            “ Người phi thường” – Một tên gọi gần gũi và chân thật như chính cuộc đời của nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, một cuộc đời phi thường. Thầy Nguyễn Ngọc Ký sinh ra năm 1947 tại mảnh đất Hải Hậu tỉnh Nam Định. Sinh ra trong sự vui mừng của mọi người nhưng thật không may, khi mới tròn 4 tuổi, cậu bé Nguyễn Ngọc Ký bị bệnh nặng và dẫn đến bị liệt hai tay. Tấn bi kịch cuộc đời ập xuống những tưởng đã đẩy Ký vào ngõ cụt. Nhưng không, như một câu chuyện cổ tích giữa đời thực, với khát khao được đi học, được viết chữ như bao bè bạn cùng trang lứa, Nguyễn Ngọc Ký đã cố gắng vượt qua nỗi đau thể xác, cố gắng dùng đôi chân còn lành lặn của mình viết nên những chữ cái đầu tiên của cuộc đời khuyết tật, những chữ cái mở ra những niềm hi vọng tuyệt vời trong con người Ký, trong tâm hồn Ký, bởi “ cậu là người phi thường”.
 Cuộc sống công bằng vì dù lấy đi đôi tay của Nguyễn Ngọc Ký nhưng đã cho thầy thứ còn quí giá hơn thế - lòng kiên trì. Từ những khó khăn do khiếm khuyết cơ thể, Thầy Nguyễn Ngọc Ký đã cố gắng dùng chân kẹp những viên gạch để cố gắng nghuệch ngoạc những chữ cái đầu tiên trên nền đất mặc cho đôi chân tóe máu vì gạch quá cứng. Đó còn là kiên trì đến lớp để học từng con chữ trong sự giúp đỡ tận tình của thầy cô và các bạn, và đó còn là sự kiên trì vượt lên nghịch cảnh để góp sức dựng xây đất nước với vai trò là một người giáo viên.
Là một nhà giáo dạy văn nhưng ít ai biết nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký từng đại diện tỉnh Hà Nam Ninh đi thi toán toàn quốc năm 1963 và đạt hạng 5 cả nước. Đó không chỉ là niềm tự hào của bản thân thầy Ký và tỉnh Hà Nam Ninh, mà còn là sự khâm phục của mọi người cho tấm gương vượt lên nghịch cảnh của thầy.
Nhưng với ước mơ được truyền cảm hứng về số phận của mình cho mọi người, thầy đã chọn khoa Ngữ Văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội theo sự động viên của mọi người bởi “ Ngữ văn sẽ giúp Ký chia sẻ nhiều hơn cho mọi người về nghị lực của mình”. Trong 4 năm học Đại học, dù bệnh tật luôn đe dọa tính mạng, song Nguyễn Ngọc Ký vẫn miệt mài đèn sách. Thầy quan niệm: “Xa trường, xa lớp nhưng không xa sách vở”. Năm 1970, thầy bảo vệ thành công Luận văn Tốt nghiệp và cho ra đời tập truyện ký viết bằng chân đầu tiên với nhan đề : “Những năm tháng không quên” (sau đổi là “Tôi đi học”) .
Tốt nghiệp Đại học ngành Ngữ Văn, Nguyễn Ngọc Ký đã nghe theo lời khuyên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về Hải Hậu, Nam Định (quê thầy) làm thầy giáo để “dạy các em phấn đấu vượt mọi trở ngại, khó khăn, góp phần thống nhất nước nhà”.
Vào hai năm liền 1962 và 1963, thầy Nguyễn Ngọc Ký được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng huy hiệu Hồ Chí Minh cao quý. Và vào năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng ông danh hiệu: "Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết"
            Nói về thầy Nguyễn Ngọc Ký, chắc chắn ai trong chúng ta sẽ nhớ về mẩu chuyện “ Bàn chân kì diệu” được học trong sách Tiếng Việt lớp 4. Đó là một mẩu chuyện nhỏ được trích trong tác phẩm đầu tiên của thầy Ký – tập truyện Tôi đi học.
Tập truyện Tôi đi học là câu chuyện, là hồi ức của thầy Nguyễn Ngọc Ký về hành trình vượt lên những khó khăn để được đến trường, được học chữ và hơn thế là để chứng minh mình có thể. Những câu chuyện là những mảnh ghép cuộc sống muôn hình của sự kiên trì và nỗ lực, của tình yêu thương và sự dìu dắt. Nguyễn Ngọc Ký đã viết nên một cuốn sách ghi lại cuộc đời thuở hàn vi của ông nhưng khi ta cảm được tác phẩm Tôi đi học, ta mới hiểu ra, hóa ra đó chính là cuộc đời mình, một tuổi thơ vui vẻ, hồn nhiên, một khát khao và niềm vui đến trường. Tác phẩm cũng lưu vào trong tim từng độc giả từng khoảnh khắc xúc động, những khoảnh khắc thổi bùng lên trong ta ngọn lửa nhiệt huyết, ngọn lửa của niềm tin vào cuộc sống còn lắm khó khăn, vì tôi đã từng đọc ở đâu đó rằng : “Cuộc sống luôn có những phép màu”.
            Cuốn tự truyện Tôi đi học được viết vào năm 1970 với tên gọi ban đầu “ Những năm tháng không quên” bởi với thầy Nguyễn Ngọc Ký, tuổi thơ không may mắn chính là tuổi thơ đẹp, tuổi thơ ấy đã cho thầy nghị lực phi thường, lòng bao dung cao quý và hơn thế là niềm tin vào cuộc sống mến thương. Bao nhiều lần trái gió trở trời làm đôi tay thầy đau buốt, nhưng thầy biết rằng, gục ngã là đầu hàng số phận, gục ngã là phụ lòng tin mọi người, thầy lại cố gắng từng ngày từng ngày.
Sau cơn sốt bại liệt, đôi tay của cậu bé Ký bỗng trở nên “nặng trịch”, không đủ sức để giơ lên. Cậu không thể cầm được quả cam, hay chơi đánh đáo cùng bạn bè. Thấy bạn bè được đi học, cậu nhất quyết đòi bố mẹ đưa đến lớp. Lúc đầu, cậu học viết chữ bằng miệng, nhưng không được. Không nản chí, cậu học viết chữ bằng đôi chân của mình với nhiều khó khăn và nước mắt: “Nhiều lúc tôi đã lấy hết sức quặp thật chặt bút chì, cố nắn nót từng nét một, thì cũng nhiều lúc tôi bị chuột rút đến co quắp cả ngón chân”.
Hồi ức của thầy Ký cứ ùa về qua từng con chữ. Nó mộc mạc và sinh động. Phải nói rằng, dù thầy Ký không viết nên những câu văn trau chuốt mượt mà, nhưng câu chuyện giản dị với câu văn mộc mạc của thầy Ký khiến ai đọc nó cũng không thể dứt ra. Nó có gì đó gần gũi, có gì đó tinh nghịch, hay chăng là bởi cách xưng hô mang đậm chất địa phương, hay bởi là những câu thoại thật trong cuộc sống. Đọc mới chỉ nửa tập truyện thôi mà lòng như dâng lên cảm xúc kì lạ… ôi tuổi thơ.
Nào là tập đọc, tập viết, nào là vót tre, đan rổ, rồi cả cầm kéo cắt chữ nữa chứ… những công việc tưởng chừng như dễ dàng lại là thử thách khó khăn với thầy Ký, nhưng hơn cả, sự kiên trì, nhẫn nại đã giúp thầy thành công. Đọc truyện của thầy ta không chỉ cảm được cái nghị lực phi thường của thầy, mà hòa trong đấy là hỉnh ảnh của mẹ, của cha, của gia đình thầy, của người bạn thân Bằng, Vân, Oánh, của cô Cương, thầy Mộc… Bởi thầy Ký luôn ghi nhớ rằng, thành công của thầy phần nhiều là nhờ sự động viên, giúp đỡ tận tình của những người luôn bên cạnh thầy bất cứ khi nào thầy cần. Tấm gương nghị lực đã biến câu chuyện đời mình thành bài ca của tình yêu thương, đùm bọc, của tình bạn gắn kết, của tình  thầy trò sâu nặng. Và cũng nhờ tất cả những kỉ niệm đẹp như vậy, thầy Ký đã luôn khắc ghi để có thể mang câu chuyện của mình truyền tải đến bạn đọc một cách dễ đi vào lòng nhất.
Gần 70 năm cuộc đời với hơn 70 tác phẩm đã được gửi đến công chúng, thầy Nguyễn Ngọc Ký đã mang lý tưởng sống cao đẹp của mình để truyền cảm hứng cho mọi người, đó là những câu chuyện về cuộc đời còn may mắn, đó là những bài thơ khích lệ ý chí vươn lên, đó là những câu đố gần gũi cho các em học sinh. Thầy Ký đã mang những nét dí dỏm, yêu đời của mình vào các tác phẩm, mang cả niềm tin và ước mơ được đem thêm ánh sáng hi vọng đến với mọi người.
Cảm ơn thầy Ký, bởi nhờ thầy, nhiều người, kể cả người khuyết tật lẫn người lành lặn, được tiếp thêm tinh thần để vượt lên khó khăn, nhờ thầy, em lại được đọc những câu chuyện hay, những bài thơ xúc động và vắt óc suy nghĩ cùng bè bạn với những câu đố dí dỏm.
            

        Hà cũng rất may mắn khi được gặp thầy Ký và giao lưu về tác phẩm Tôi đi học. Có thể nói tác phẩm Tôi đi học là một trong những tác phẩm làm thay đổi cuộc sống của Hà, bởi nhờ tác phẩm này, Hà đã được Giải A liên hoan kể chuyện thiếu nhi toàn miền Nam. Các bạn hãy về tìm đọc Tôi đi học của nhà giáo ưu tú – nhà văn Nguyễn Ngọc Ký luôn đi nhé… Hà chắc rằng đó sẽ là cuốn sách hay cần phải bổ sung ngay vào tủ sách của các bạn. Cảm ơn mọi người đã lắng nghe phần thuyết trình của mình.

                                                                                                           Đặng Hoàng Hà

[Dàn ý Phân tích văn học] Ngữ văn 11 _ Hai đứa trẻ ( Thạch Lam)


Nguồn: Internet
Hai đứa trẻ
Thạch Lam
I)          Tác giả - Tác phẩm
a.     Tác giả
·        Thạch Lam ( 1910 – 1942)
·        Tên thật : Nguyễn Tường Vinh ( sau đổi thành Nguyễn Tường Lân)
·        Quê quán : Hà Nội
·        Thành viên của Tự lực văn đoàn
·        Quan niệm văn chương lành mạnh, tiến bộ và có biệt tài về truyện ngắn
·        Văn trong sáng, giản dị mà thâm trầm, sâu sắc
·        Tác phẩm chính : truyện ngắn Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn (1938), tiểu thuyết Ngày mới (1939),…
b.    Tác phẩm
·        Là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam
·        In trong tập Nắng trong vườn
·        Là sự hòa quyện của hai yếu tố hiện thực và lãng mạn
II)        Tóm tắt
“Hai đứa trẻ” là câu chuyện về hai đứa trẻ Liên và An. Liên và An đã từng có một cuộc sống đầy đủ, vui vẻ ở Hà Nội. Do gia đình sa sút, hai đứa trẻ phải về sống nơi phố huyện – một cuộc sống nghèo khổ, đơn điệu. Liên cảm thấy nơi đây buồn tẻ trong một buổi chiều tà, nhìn thấy những đứa trẻ con đi nhặt nhạnh những đồ thừa. Chung quanh chúng là cuộc sống tàn lụi của chị Tí, bác Siêu, bác xẩm… thế nhưng chừng ấy người ấy sống trong bóng tối vẫn hi vọng cái gì đó tươi sáng. Mong ước ấy vẫn được thể hiện qua thao tác chờ chuyến tàu đêm chạy qua phố huyện.
III) Đọc – hiểu văn bản
1.     Cảnh và người ở phố huyện lúc chiều tà:
a.     Khung cảnh phố huyện lúc chiều tà:
·        Cảnh thiên nhiên:
+  Âm thanh:
o   Tiếng trống thu không
o   Tiếng ếch nhái kêu ran
o   Tiếng gió nhẹ
o   Tiếng muỗi vo ve
o   Tiếng chõng kêu cót két
-> Âm thanh buồn bã, đơn điệu, rời rạc
    + Màu sắc:
o   Bầu trời phía tây đỏ rực như lửa cháy
o   Đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn
o   Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên bầu trời
-> Màu sắc gợi lên sự buồn bã, hiu hắt, lụi tàn
=> Thiên nhiên vắng vẻ tạo nên khung cảnh một miền quê tĩnh mịch, đìu hiu
·        Sinh hoạt con người:
+ “Các nhà đã lên đèn cả rồi, đèn treo  trong nhà bác phở Mĩ, đèn hoa kì leo lét trong nhà ông Cửu, và đèn dây sáng xanh trong hiệu khách… Những nguồn ánh sáng ấy đều chiếu ra ngoài phố khiến cát lấp lánh từng chỗ và đường mấp mô thêm vì những hòn đá nhỏ một bên sáng một bên tối”
+ “Chợ họp trên phố đã vãn”, “Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất”
+ “Trên đất chỉ còn lại rác rưởi”
+ “Vài người bán hàng về muộn đang thu xếp hàng hóa, đúng nói chuyện vài câu”
+ “Mấy đứa trẻ con nhà nghèo lom khom, tìm tòi, nhặt nhạnh những thứ còn sót lại”
-> Cuộc sống tiêu điều, xơ xác của phố huyện nghèo
    =>Tác giả đã cảm nhận và quan sát một cách tinh tế, nhạy cảm bằng thính giác, khướu giác, thị giác và cảm giác của một con người có tấm lòng nhân hậu. Bức tranh phố huyện lúc chiều tàn hiện lên yên ả, nhẹ nhàng, nên thơ và gợi cảm giác buồn man mác trong tâm hồn nhà thơ.
b.     Tâm trạng của nhân vật Liên:
-         Cảm nhận “một chiều êm ả như ru
-         Buồn man mác trước thời khắc ngày tàn
-         Buồn thấm thía vào tâm hồn ngày thơ của chị
→ Tâm hồn nhạy cảm
-         Cảm nhận được “mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát bụi quen thuộc, tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này” → sự gắn bó với quê hương
-         Động lòng thương” lũ trẻ nghèo “nhưng chính chị cũng không có tiền mà cho chúng nó”  → Giàu lòng nhân ái
->    Tâm trạng buồn khắc khoải, mơ hồ, tâm hồn nhạy cảm trước cảnh vật làng quê và cảm nhạn tinh tế sự chuyển động của thời gian.
2.     Cảnh vật và con người phố huyện lúc về đêm:
a.     Cảnh vật nơi phố huyện:
·        Bóng tối:
-         Trời nhá nhem tối” , “Tối hết, đường thăm thẳm”, “Các ngõ con chứa đầy bóng tối”, “Các ngõ vào làng đen sẫm
->  Nói ít tả nhiều → bóng tối mênh mông, dày đặc bao trùm lên phố huyện nghèo → Cuộc sống tăm tối của con người nơi đây.
·        Ánh sáng:
-         Hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh
-         Vệt sáng của những con đom đóm
-         Vài cửa hàng còn thức hé ra khe sáng
-         Quầng sáng thân mật trên chõng hàng chị Tí
-         Chấm lửa hàng phở của bác Siêu
-         Từng hột sáng trong cửa hàng của Liên
-> Nói nhiều tả ít → Ánh sáng thưa thớt, nhỏ nhoi, leo lét → niềm vui ít ỏi, mong manh của những số phận nhỏ bé
·        Nghệ thuật đối lập: Ánh sáng >< Bóng tối
-> Làm cho màn đêm càng thêm mênh mông, dày đặc, bao phủ và che lấp những ánh sáng yếu ớt, mờ nhạt.
-> Cuộc sống nghèo nàn, tối tăm, mong manh của con người nơi phố huyện nghèo
b.     Sinh hoạt của con người:
·        Mẹ con chị Tí:
+ “Ngày mò cua, bắt tép”
+ “Đêm bày hàng nước, lời lãi chẳng đáng là bao
ð Cuộc sống tạm bợ, ế ẩm
·        Cụ Thi: tiếng cười “khanh khách” điên dại vào hàng Liên mua rượu
ð Số phận không may mắn
·        Bác Siêu với gánh phở “xa xỉ
ð Lời ít, vốn nhiều
·        Bác xẩm đàn hát bằng tiếng đàn bầu
ð Sống bằng tình yêu của mọi người
·        Chị em Liên với gian hàn tạp hóa nhỏ xíu, bán được vài thứ lặt vặt
ð Gánh nặng mưu sinh như người lớn
          => Người dân phố huyện sống lặng lẽ, ít hoạt động, ít nói năng → những kiếp người tàn tạ, sống cầm chừng, lặng lẽ và quanh quẩn tronh thế giới nhỏ bé, nhọc nhằn
·        Niềm hi vọng “ Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ
ð Niềm hi vọng về một cuộc sống tốt đẹp dù rất mong manh, mơ hồ
          => Tác giả cảm thông sâu sắc với cuộc sống nghèo khổ của những người dân nơi phố huyện và hết sức trân trọng ước mơ nhỏ bé của họ.
c.      Tâm trạng của Liên:
-         Ngồi yên “nhìn ngàn ngôi sao lấp lánh, đóm đóm bay là là mặt đất
-         Hồi tưởng về quá khứ, về “Hà Nội sáng rực và lấp lánh
-         Tâm hồn yên tĩnh và những “cảm giác mơ hồ không hiểu
-> Buồn chán trước thực tại, nuối tiếc về quá khứ, khát khao, mong đợi, hi vọng về một tương lai tươi sáng.
3.     Cảnh phố huyện khi đoàn tàu đi qua ( lúc về khuya)
a.    Hình ảnh chuyến tàu đêm:
-         Miêu tả theo trình tự từ xa đến gần
+ Xa : “đèn ghi”, “ngọn lửa xanh biếc”, “tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại
+ Gần: “tiếng xe rít mạnh vào ghi”, “tiếng hành khách ồn ào khe khẽ”, “các toa đèn sáng trưng”, “những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng
+ Mất hút trong bóng tối: “nhìn theo cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi lặng khuất sau bụi tre
->  Đoàn tàu đến mang niềm vui, sức sống đến cho người dân phố huyện, đối lập với cuộc sống nghèo nàn của người dân phố huyện
->  Đoàn tàu >< phố huyện ( sáng rực, sang trọng, náo nhiệt >< tăm tối, nghèo nàn, tĩnh lặng )
-         Hình ảnh chuyến tàu đêm:
+ Thế giới tươi sáng so với sự nhàm chán của phố huyện
+ Ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân
+ Lay tỉnh những người sống quẩn quanh, hướng họ tới một tương lai tốt đẹp hơn, vượt lên sự nghèo nàn, tăm tối của phố huyện nghèo
b.      Tâm trạng của Liên:
-         Chị em Liên thức vì “muốn nhìn được chuyến tàu” → háo hức chờ đợi
-         Mơ tưởng về Hà Nội “Hà Nội xa xăm. Hà Nội sáng rực và huyên náo.” → tiếc nuối và khát khao
-> Khát khao được thay đổi cuộc đời, được sống trong cuộc đời khác tốt đẹp hơn hiện tại
          => Chuyến tàu đêm là một hình ảnh vừa thực vừa lãng mạn, biểu hiện cho tinh thần nhân đạo của Thạch Lam. Tác giả đã lắng nghe và thấu hiểu được những khó khăn dù rất nhỏ bé của những người nghèo khổ
IV)          Tổng kết:
1.     Nghệ thuật:
-         Truyện không có cốt truyện, miêu tả tinh tế diễn biến tâm trạng của người và sự thay đổi của cảnh vật
-         Bút pháp sử dụng hình ảnh tương phản, đối lập
-         Ngôn ngữ giàu hình ảnh, ý nghĩa tượng trưng.
-         Giọng văn nhẹ nhàng đầy chất thơ
2.     Nội dung và ý nghĩa văn bản:
Thạch Lam đã bộc lộ nhẹ nhàng mà thấm thía niềm xót thương đối với những kiếp người sống cơ cực, quẩn quanh và tăm tối nơi phố huyện nghèo trước Cách mạng. Đồng thời, ông cũng biểu lô sự trân trọng ước mong đổi đời tuy còn mơ hồ của họ.